NÓI ĐIỆN THOẠI GẬP LÀ THẤT BẠI KHI KỶ NGUYÊN CỦA NÓ CÒN CHƯA BẮT ĐẦU THÌ THẬT BẤT CÔNG
Đăng bởi admin
9/7/2020 8:50:54 AM
Bài viết phản ánh quan điểm của cây viết Adnan Farooqui trang SamMobile, VnReview xin lược dịch lại cho bạn đọc.
Samsung đang dẫn đầu thị trường smartphone màn hình gập nhờ tiên phong ra mắt chiếc Galaxy Fold vào năm ngoái. Dù vẫn còn nhiều thiếu sót, Galaxy Fold vẫn cho độ hoàn thiện vượt trội hơn so với một số thiết bị đến từ Trung Quốc như Royole FlexPai.
Công bằng mà nói, năng lực kỹ thuật mà Samsung phô diễn trên Galaxy Fold đến nay vẫn chưa có nhiều nhà sản xuất smartphone làm được. Duy chỉ có Huawei với mẫu điện thoại Mate X hoạt động theo cơ chế gập ra ngoài là đủ sức cạnh tranh với Galaxy Fold. Tuy nhiên, do gặp phải những rắc rối về mặt pháp lý mà chính phủ Mỹ đưa ra nên Huawei Mate X đã không thể bán rộng rãi trên trường quốc tế.
Mẫu điện thoại màn hình gập Royole FlexPai đến từ Trung Quốc
Mặc khác, Motorola đã có màn chào sân ấn tượng khi hồi sinh huyền thoại Razr V3 vỏ sò thành một chiếc smartphone có màn hình gập dọc. Nhưng so với số tiền mà người dùng phải bỏ ra lên đến 1.500 USD, những gì nó mang lại thực sự không đáng giá.
Về sau, Samsung đã tận dụng khoảng trống này và chớp lấy thời cơ, trở thành người dẫn đầu mảng điện thoại màn hình gập. Chưa đầy một năm sau khi ra mắt Galaxy Fold, Samsung tiếp tục trình làng Galaxy Z Flip. Lần này không còn là máy tính bảng gập ngang mà thay vào đó, Samsung đi theo thiết kế điện thoại vỏ sò cổ điển.
Máy có màn hình uốn dẻo gập dọc tương tự như Motorola Razr 2019 nhưng Samsung đã trang bị một loại kính siêu mỏng giúp nâng cao độ bền, chống trầy xước tốt cho thiết bị. Vì vậy khi Galaxy Z Flip ra mắt, không có bất kỳ so sánh nào giữa hai mẫu máy được đưa ra từ phía người dùng hay các trang công nghệ vì đại diện nhà Samsung vượt trội hơn hẳn.
Mặc dù các mẫu điện thoại màn hình gập đang ngày một nhiều nhưng trên thực tế, kỷ nguyên công nghệ màn hình dẻo vẫn chưa chính thức bắt đầu. Theo ước tính của các chuyên gia phân tích, mới có khoảng 1,7 triệu điện thoại màn hình gập được bán ra từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2020. Trong số đó, Galaxy Z Flip chiếm phần lớn. Về quy mô, 1,7 triệu chiếc điện thoại gập rõ ràng không là gì so với mức 1,2 tỷ chiếc smartphone thông thường được bán trong năm.
Điều này không quá ngạc nhiên khi Galaxy Fold trước đó được phát hành giới hạn và không phổ biến như Z Flip. Nó đắt hơn, rủi ro hỏng hóc cao hơn do công nghệ còn quá mới mẻ và quan trọng hơn cả là không mang lại cảm giác sang trọng như người đàn em Galaxy Z Flip ra mắt sau.
Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng cùng với Galaxy Z Flip, Galaxy Fold chiếm đa số các lô hàng điện thoại gập trên toàn cầu. Vào thời điểm đó, Huawei chỉ có thể bán ra Mate X ở Trung Quốc, trong khi Motorola Razr không đủ sức hấp dẫn thu hút người dùng.
Đối với những ai đang mong chờ các sản phẩm màn hình gập có thể thành công trong một sớm một chiều thì có lẽ họ nên cân nhắc, nhất là trong năm qua đại dịch Covid-19 đã kéo nền kinh tế thế giới đi xuống.
Không thể phủ nhận rằng điện thoại màn hình gập luôn đi kèm với mức giá đắt đỏ. Hầu hết mọi người dùng bình thường đều sẽ cân nhắc kỹ trước khi bỏ ra 2.000 USD để sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, nhất là khi đây lại là một công nghệ mới, chưa được kiểm chứng nhiều về chất lượng và độ bền trong sử dụng thực tế. Thậm chí, sự bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra còn khiến người dùng cân nhắc kỹ hơn khi chi tiêu.
Về phần mình, Samsung không giấu giếm một thực tế rằng cơ chế màn hình gập của họ chưa thực sự hoàn thiện. Samsung lần lượt tung ra ba mẫu máy khác nhau trong vòng chưa đầy hai năm, mỗi thiết bị ra sau đều mang đến khả năng gập tốt hơn thế hệ trước. Galaxy Z Fold 2 là một ví dụ điển hình, nó vượt trội hơn nhiều so với các sản phẩm trước của Samsung.
Trong tương lai, Samsung cho biết sẽ tiếp tục tung ra nhiều model có thể gập lại. Khi công nghệ tiến bộ, người dùng có thể mong đợi giá thành của những thiết bị giảm xuống và phải chăng hơn. Cùng với đó, Samsung được cho là đang lên kế hoạch phát hành một mẫu điện thoại gập giá rẻ để người dùng phổ thông dễ tiếp cận.
Không như nhiều người nghĩ rằng việc thương mại hóa màn hình gập của Samsung là một mánh lới quảng cáo, thay vào đó nhà sản xuất Hàn Quốc còn được hưởng lợi không chỉ từ vị trí dẫn đầu thị trường mà còn là nhà cung cấp.
Điều này đồng nghĩa với việc Samsung sẵn sàng bán công nghệ màn hình dẻo có thể gập lại cho các nhà sản xuất khác, giống như cách họ kinh doanh công nghệ màn hình OLED, ổ cứng di động, cảm biến máy ảnh, pin,... Nhìn chung, thị trường điện thoại gập phát triển cũng phần nào mang lại lợi ích cho Samsung.
Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để đánh giá sự thành bại của công nghệ màn hình gập trên thị trường smartphone. Chúng ta sẽ cần thời gian để một thị trường cạnh tranh thực sự phát triển và đã có những bước đầu khởi sắc. Microsoft hiện đang thực hiện phép thử trong lĩnh vực này với chiếc Surface Dou, mặc cho nó có cách tiếp cận hơi khác.
Nếu Huawei không gặp rắc rối, thị trường chắc hẳn sẽ còn sôi động hơn và chỉ còn là vấn đề thời gian để các nhà sản xuất Android khác kịp chạy theo xu hướng, cũng như tham gia vào cuộc chiến. Sẽ không ai có thể đứng yên nhìn Samsung một mình giành lấy "miếng bánh béo bở" cho mình.
Việc Samsung tiếp tục dẫn đầu thị trường điện thoại gập sẽ thôi thúc sự cạnh tranh cho các thương hiệu di động khác. Cạnh tranh là tốt vì nó mang lại lợi ích cho công nghệ ngày một được phát triển, cũng như làm cho các sản phẩm màn hình gập có giá bán phải chăng hơn. Để rồi cuối cùng, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi.
Ngày nay, chúng ta phủ nhận mọi thứ khá nhanh chóng nên sẽ cần thời gian để thị trường phát triển và nói xem điện thoại màn hình gập có thất bại hay không. Trong quá khứ, khi Samsung ra mắt chiếc điện thoại Galaxy Note đầu tiên, nhiều người đã đánh giá đây là thất bại của Samsung, trong khi giờ đây nó lại là dòng sản phẩm chủ chốt và là "gà đẻ trứng vàng" cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.
Xa hơn nữa, khi những thiết bị cảm ứng đa điểm đầu tiên ra mắt vào những năm 2000, các công ty như BlackBerry vẫn tự tin rằng người dùng sẽ không thể từ bỏ bàn phím QWERTY truyền thống để chuyển sang dùng cảm ứng. Và rồi kết cục của "Dâu đen" ra sao chắc hẳn ai cũng biết rõ.
Dòng Galaxy Note sẽ không bao giờ có được thành công như hiện nay nếu Samsung nghe theo chỉ trích của người dùng ngày trước. Vào thời điểm đó, cái bóng của iPhone quá lớn, đến mức mà bất kỳ thiết bị nào được trang bị bàn phím hay bút cảm ứng đều bị xem là đồ phế thải.
Bằng cách lội ngược dòng ngoạn mục, Samsung đã chứng minh cho cả thế giới thấy cách tiếp cận đồng nhất không tốt cho thị trường. Nhiều năm sau, dòng Galaxy Note là gia sản kếch xù của Samsung khi không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Quay trở về thập niên 90, ngành công nghiệp di động đã có vài lần "thay da đổi thịt", từ những chiếc điện thoại cơ bản, to và nặng như cục gạch đến smartphone hiện đại ngày nay. Tuy nhiên dần dần ngành công nghiệp này bị bão hòa và các công ty phải liên tục đưa ra thiết kế, công nghệ sáng tạo để đổi mới. Với các sản phẩm có thể gập lại, chúng ta có thể mong chờ một cuộc lột xác của ngành công nghiệp di động và xem chúng diễn ra như thế nào, đồng thời cần bao nhiêu thời gian để thực hiện quá trình chuyển đổi này.